Tự động hóa trong công nghiệp là việc sử dụng các hệ thống điều khiển như: máy tính, máy trạm, vi mạch, PLC hoặc robot 3 trục, robot 6 trục, trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin để xử lý các quy trình và điều khiển các máy móc khác nhau trong một ngành công nghiệp để thay thế con người. Tự động hóa chính là bước thứ hai ngoài cơ giới hóa trong phạm vi công nghiệp hóa.
Một dây chuyền sản xuất tự động bao gồm một loạt các máy trạm(station) được liên kết bởi một hệ thống chuyển giao(transfer) và một hệ thống điều khiển điện(control). Mỗi trạm thực hiện một hoạt động cụ thể và sản phẩm được xử lý từng bước khi nó di chuyển dọc theo dây chuyền theo trình tự sản xuất được xác định trước.
Một dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động không cần người trực tiếp tham gia vào hoạt động và tất cả hoặc một phần của quá trình sản xuất được hoàn thành bằng thiết bị, máy móc cơ khí và hệ thống tự động hóa. Do đó, trong một môi trường tự động, các nhiệm vụ của con người có nhiều khả năng thay đổi sang thiết kế hệ thống, điều chỉnh và giám sát hoạt động của hệ thống thay vì kiểm soát trực tiếp.
Có ba loại tự động hóa trong sản xuất: Tự động hóa cứng (còn được gọi là tự động hóa cố định), tự động hóa lập trình và tự động hóa mềm (còn được gọi là tự động hóa linh hoạt). Loại tự động hóa để sử dụng được xác định bởi loại sản phẩm và sản lượng cần thiết.
Theo các lệnh được lập trình sẵn theo các kịch bản được tính trước, một dây chuyền sản xuất tự động với các máy tự động chuyên dụng là một quá trình mà nguyên liệu thô nhập và thành phẩm rời đi, với rất ít hoặc không có sự can thiệp của con người. Dòng sản xuất nhanh, ổn định và chính xác góp phần giảm thời gian sản xuất và giá thành của các sản phẩm được sản xuất ra. Việc sử dụng dây chuyền sản xuất tự động sẽ giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất và chi phí lao động, giảm thiểu sai sót của con người, đảm bảo tính nhất quán và đồng đều về chất lượng của sản phẩm đầu ra.